Giá gas hôm nay 13/3, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) giảm nhẹ 0,29% xuống mức 2,42% USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4/2023.
Cao ủy Năng lượng EU - bà Kadri Simson cho biết, Ukraina sẽ tham gia vào cơ chế mua khí đốt tập thể mới của Liên minh châu Âu (EU), cơ chế này sẽ cung cấp cho Ukraina khối lượng năng lượng bổ sung.
“Chúng tôi đã tích hợp Ukraina vào nền tảng mua chung khí đốt với mục tiêu giúp đảm bảo cung cấp 2 tỉ mét khối khí đốt bổ sung cho Kiev" - bà Kadri Simson nói, đồng thời cũng tiết lộ, EU đã cung cấp cho Ukraina 1.600 máy phát điện và 1.400 máy biến áp, cùng với các tấm pin mặt trời.
Tháng 12 năm ngoái, EU phê duyệt thành lập một cơ chế mua khí đốt chung trong liên minh để chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng. Khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt Nga và quyết định từ bỏ năng lượng Nga của EU.
Cơ chế mua chung sẽ được kích hoạt khi giá hợp đồng tương lai TTF hàng tháng vượt quá 180 Euro mỗi MWh (2.000 USD mỗi nghìn mét khối) trong 3 ngày liên tiếp.
Trong khi các quốc gia thành viên hy vọng kế hoạch mua khí đốt chung sẽ giúp làm cho giá cả hợp lý, thì các nhà kinh tế lo ngại, với nhu cầu khí đốt ở EU cao như hiện nay, việc mua số lượng lớn thực sự có thể đẩy giá cao hơn thay vì hạ nhiệt.
Thực tế nhu cầu khí đốt vẫn ngày càng tăng, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa. Với tình hình này bên bán sẽ có tiếng nói nhiều hơn bên mua, sẽ có quyền kiểm soát giá cả nhiều hơn và EU khó có thể thành công nếu có ý định kiềm chế giá trên thị trường.
Theo hãng tin Bloomberg, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cho hay, EC đang cố gắng hoàn thiện kế hoạch mua chung khí đốt. Dự kiến kế hoạch được chính thức công bố vào ngày 15/3, sau đó sẽ được gửi tới các công ty, doanh nghiệp tại châu Âu quan tâm đến việc thu mua chung khí đốt.
Đến tháng 4, EU bắt đầu mở thầu nhắm đến các đối tác tiềm năng từ Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Đến tháng 6, EU sẽ chính thức ký hợp đồng với các đối tác tiềm năng có thể cung cấp khí đốt cho EU ổn định và lâu dài.
Tính đến nay đã có hơn 50 doanh nghiệp cung cấp khí đốt trên khắp thế giới quan tâm tới việc hợp tác với EU. Sau đợt đấu thầu đầu tiên, EU sẽ tổ chức thêm nhiều đợt mua chung để đảm bảo có đủ khí đốt cho các nước thành viên, dù hiện tại kho dự trữ khí đốt của châu Âu ước tính đang ở mức 61%.
Cùng với đó, EC vừa ra thông báo sẽ yêu cầu các quốc gia EU tiếp tục giảm mức tiêu thụ khí đốt trong mùa Đông tới, sau khi đạt được chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng đặt ra trước đó.
Các số liệu thống kê cho thấy, mức tiêu thụ khí đốt tại các nước thành viên EU trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023 đã giảm 19,3% so với cùng kỳ của các năm trước, nhờ thời tiết ấm và sử dụng giảm do giá tăng cao.
Tuy nhiên, EU vẫn muốn các nước thành viên nỗ lực hơn nữa trong mùa Đông tới, với kỳ vọng các quốc gia thành viên sẽ một lần nữa cắt giảm 15% nhu cầu, để đảm bảo đạt được mức dự trữ khí đốt cần thiết vào tháng 11.
Một số quốc gia thành viên cũng được kêu gọi ngừng mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, kể cả khi mặt hàng này không bị trừng phạt. Theo thống kê của Bloomberg, trước khi leo thang căng thẳng vì cuộc xung đột Nga - Ukraine, Moscow cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ cho EU. Song, lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu đã giảm 80% trong 8 tháng qua.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, năm 2023, nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ giảm 3% sau khi giảm 13% trong năm 2022, đồng thời ước tính châu lục này cần giảm 8% nhu cầu sử dụng nếu dừng hoàn toàn nguồn khí đốt của Nga vận chuyển qua đường ống.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã điều chỉnh giảm giá gas. Theo đó, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng, loại 45kg giảm khoảng 60.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Hiện nay, giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Giá gas thế giới bình quân tháng 3/2023 chốt hợp đồng ở mức 730 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với tháng 2. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 2 lần giảm (tháng 1, tháng 3) và một lần tăng mạnh vào tháng 2.