Giá gas hôm nay 20/3, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) tăng 1,37% lên mức 2,37 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4/2023.
Ở thị trường thế giới, Đức đang ứng phó tốt sau khi Nga dừng gần như hoàn toàn nguồn cung khí đốt đến nước, nhờ việc tăng cường nhập khẩu, tìm kiếm các nguồn cung thay thế, cùng với việc mùa đông ấm bất thường, nhu cầu tiêu thụ giảm. Nhờ đó, vào tháng 11/2022 Đức đã lấp đầy hoàn toàn các kho dự trữ khí đốt và có thể vượt qua mùa đông 2022/23.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã khánh thành cảng LNG nổi đầu tiên ở thành phố miền bắc Wilhelmshaven hồi tháng 11, bước đi quan trọng để giảm phụ thuộc vào Moskva.
Ở thời điểm hiện tại, các kho dự trữ khí đốt được lấp đầy 63,89%, cao hơn nhiều so với mức mà Berlin phải kiểm soát tiêu thụ. Tuy nhiên, giới chức Đức vẫn kêu gọi các hộ gia đình, công ty sử dụng hạn chế khí đốt. Bởi mùa Đông tới có thể sẽ gặp khó khăn hơn.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Rheinische Post, ông Klaus Mueller - Chủ tịch Cơ quan Năng lượng quốc gia Đức nêu rõ, không thể loại trừ khả năng thiếu khí đốt trong mùa Đông năm tới, vì có những yếu tố rủi ro tiềm ẩn như thời tiết giá rét khắc nghiệt, các hộ gia đình và các công ty không tiết kiệm nhiên liệu đủ mức cần thiết.
"Chúng tôi không thể loại trừ khả năng thiếu khí đốt trong mùa đông tới. Các yếu tố rủi ro gồm mùa đông 2023/24 có thể rất lạnh, các hộ gia đình và công ty không tích trữ đủ khí đốt" - ông Klaus Mueller nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Mueller cảnh báo Đức cũng cần tính đến trường hợp hạ tầng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không hoạt động như kế hoạch và các quốc gia láng giềng đề nghị Berlin hỗ trợ nguồn cung.
"Rủi ro lớn nhất là thời tiết. Chúng ta không thể trông đợi mùa đông sắp tới không quá lạnh. Khi nhiệt độ xuống thấp, nhiều hộ gia đình lập tức dừng tiết kiệm. Trong tháng 10/2022, họ tiết kiệm hơn 20% khí đốt và con số này chỉ còn 7% vào tháng 12" - ông Mueller cho biết.
Không chỉ Đức, các nước khác như Anh và Australia, dù không bị ảnh hưởng liên quan nguồn cung năng lượng từ Nga, song tình trạng giá điện tăng cao cũng khiến nhà chức trách loay hoay với bài toán khí đốt chuẩn bị cho mùa Đông 2023-2024.
Anh đang xem xét duy trì các nhà máy điện than để đảm bảo nguồn cung của mạng lưới điện quốc gia, trong khi Australia yêu cầu các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở bờ biển phía Đông có thể phải chuyển nguồn cung khí đốt dư thừa cho khách hàng trong nước để đảm bảo nguồn cung.
Mới đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tới Biển Bắc thuộc Na Uy để thảo luận về an ninh nguồn cung khí đốt và hệ thống cơ sở hạ tầng.
Ông Jens Stoltenberg và bà Ursula von der Leyen đã đến thăm giàn khoan Troll A, hoạt động trên mỏ khí đốt lớn nhất Na Uy. Sau khi giảm nhập khẩu từ Nga, từ năm ngoái, quốc gia Bắc Âu này đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Liên minh châu Âu.
Chỉ riêng giàn khoan Troll đã chiếm 11,3% lượng tiêu thụ khí đốt của EU vào năm ngoái, theo nhà điều hành Equinor. Mỏ này chiếm 1/3 lượng khí đốt xuất khẩu hàng ngày của Na Uy sang châu Âu. Khí đốt từ Troll được dẫn đến một nhà máy xử lý ở bờ biển phía tây Na Uy, trước khi được chuyển đến Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã điều chỉnh giảm giá gas. Theo đó, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng, loại 45kg giảm khoảng 60.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Hiện nay, giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Giá gas thế giới bình quân tháng 3/2023 chốt hợp đồng ở mức 730 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với tháng 2. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 2 lần giảm (tháng 1, tháng 3) và một lần tăng mạnh vào tháng 2.