Theo báo cáo của Wood Mackenzie, giá khí đốt ở châu Âu có thể giảm xuống mức thấp nhất là 6,70 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) vào mùa hè năm nay. Thị trường khí đốt khởi đầu năm 2024 với dấu hiệu lạc quan hơn khi thời tiết lạnh giá “vội” bước qua châu Âu, trong khi nhu cầu công nghiệp duy trì xu hướng phục hồi, tăng 12% so với cùng kỳ trong tháng 1 và khoảng 6% trong tháng 2.
WoodMac dự báo nhu cầu khí đốt hộ gia đình ở châu Âu sẽ tăng 12 tỷ m3 (bcm) vào năm 2024, trong điều kiện thời tiết bình thường, trong khi nhu cầu công nghiệp sẽ tăng 5,5 bcm khi nền kinh tế EU phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, lượng khí đốt dùng để phát điện sẽ ít hơn 9 bcm, hàm ý rằng nhu cầu tổng thể của châu Âu sẽ tăng thêm 9 bcm. Dẫu vậy, điều đó sẽ không thể khiến giá khí đốt tăng cao với mức dự trữ ở mức cao kỷ lục.
Khi mùa rút khí đốt ở châu Âu gần kết thúc, tồn kho đứng ở mức 70,78 bcm ghi nhận vào ngày 10/3, cao hơn 5,61 bcm so với cùng kỳ và cao hơn 21,41 bcm so với mức trung bình 5 năm theo dữ liệu Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE). Các nhà phân tích hàng hóa tại Standard Chartered đã dự đoán rằng mức tồn kho cuối mùa sẽ vượt quá 68 bcm.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ gas tháng 3/2024 tiếp tục được điều chỉnh tăng kể từ ngày 1/3. Như vậy, giá gas bán lẻ trong nước đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay.
Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM tăng 2.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không quá 443.000 đồng/bình 12kg.
Theo các công ty kinh doanh gas, tỷ giá USD/VND tăng khiến giá gas nhập khẩu về Việt Nam tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, giá gas liên tiếp tăng, với tổng mức tăng là 13.000 đồng/bình 12kg.
Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, nên giá gas trong nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế.
Thông tin mang tính tham khảo!