Giá gas hôm nay ngày 20/10/2023, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam), giá gas giảm 0,27% ở mức 2,95 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2023.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 20/10/2023, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới giảm nhẹ 0,27% xuống mức 2,95 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2023.
Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), lượng khí đốt tại các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của Liên minh châu Âu (EU) đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, đạt gần 98%.
Các bể chứa khí đốt ở EU hiện đầy 97,89%, vượt mục tiêu của khối về việc dự trữ đạt 90% vào ngày 1/11. Lượng dự trữ lớn kỷ lục mang tới một số bước đệm cho khu vực trước mùa sưởi ấm năm nay.
Hiệp hội điều hành khí đốt châu Âu thông tin, nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU trong tháng 10 vẫn ở mức thấp nhất trong gần 2 năm.
Các nhà khí tượng học dự báo thời tiết vẫn ôn hòa hơn bình thường cho đến đầu tháng 11, điều này sẽ khiến nhu cầu sưởi ấm và làm mát thấp hơn bình thường vào thời điểm này trong năm.
Vào tháng 9/2023, mức tiêu thụ khí đốt ở EU giảm trở lại sau khi tăng mạnh trong tháng trước, giảm 11% so với năm ngoái, xuống còn 19 tỷ m3. Mức giảm này là do EU tiếp tục đưa ra quy định, giúp giảm 15% nhu cầu khí đốt tự nguyện từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024.
Hơn nữa, việc gia tăng sản lượng năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân trong sản xuất điện đã dẫn đến giảm sự phụ thuộc vào khí đốt trong cơ cấu sản xuất điện ở EU
Trong khi đó, Tập đoàn năng lượng lớn Gazprom của Nga tiếp tục vận chuyển khí đốt để đến Tây và Trung Âu qua trạm Sudzha, trạm bơm khí duy nhất còn lại ở Ukraine. Tính đến ngày 17/10, tổng lượng khí đốt trung chuyển vào khoảng 42,5 triệu m3 mỗi ngày.
Nga từng cung cấp khoảng 155 bcm khí đốt tự nhiên cho EU hàng năm trước khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu diễn ra, chủ yếu thông qua đường ống.
Vào tháng 1 năm nay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố rằng EU đã giảm 80% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Để bù đắp thực trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt, EU đã phải sử dụng các lô hàng LNG giá cao từ Mỹ và Qatar, đồng thời tăng cường nhập khẩu qua đường ống từ Na Uy và Azerbaijan.
Mỹ đang trên đà trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới vào năm 2023, vượt qua các nhà lãnh đạo gần đây là Australia và Qatar. Giá toàn cầu cao hơn nhiều đã thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu của Mỹ một phần do sự gián đoạn nguồn cung và các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Nhập khẩu LNG của các nước châu Á trong tháng 9 tăng 11% lên 21,75 triệu tấn. Tổng lượng nhập khẩu từ đầu năm đến nay của châu Âu đạt 92,55 triệu tấn (tăng 2,4%), trong khi châu Á nhập khẩu 194,14 triệu tấn (tăng 3,1%).
Xuất khẩu LNG toàn cầu tăng 2,8% trong tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, lên 33,58 triệu tấn. Xuất khẩu LNG toàn cầu tính đến thời điểm hiện tại tăng 3,7% lên 304,87 triệu tấn.
Tại thị trường trong nước, theo thông tin từ một số doanh nghiệp kinh doanh gas, từ ngày 1/10/2023, giá gas bán lẻ tăng 1.667 đồng/kg (gồm VAT), tương đương tăng 20.000 đồng/bình 12kg.
.
Tại Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương, từ 7 giờ 30 ngày 1/10, giá gas của công ty tăng thêm 20.000 đồng/bình 12 kg và 83.000 đồng/bình 50 kg.
Nguyên nhân tăng giá gas đợt này do giá gas thế giới bình quân tháng 10/2023 là 607,5 USD/tấn, tăng 52,5 USD/tấn so với tháng 9/2023.
Ngoài ra, giá gas tăng cao còn bởi vụ nổ tại nhà máy lọc dầu Bandar Abbas ở miền Nam Iran sau khi rò rỉ khí gas khiến nguồn cung nhiên liệu thế giới bị ảnh hưởng, giá dầu thế giới vì vậy tăng sát mốc 94 USD/thùng.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá gas tăng cao. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7) và 5 lần tăng (tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 9 và tháng 10).