Giá gas hôm nay ngày 11/10/2023, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam), giá gas tăng 0,47% ở mức 3,41 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2023.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 11/10/2023, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới tăng 0,47% lên mức 3,41 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2023.
Khí đốt tự nhiên châu Âu kéo dài đà tăng sau khi Israel ra lệnh cho Tập đoàn Chevron tạm dừng hoạt động tại một mỏ khí đốt lớn, có khả năng hạn chế nguồn cung từ khu vực phía Đông Địa Trung Hải.
Cụ thể, Israel đã chỉ đạo công ty này tạm thời đóng cửa giàn khoan khí đốt ngoài khơi Tamar vì lo ngại về an toàn khi giao tranh giữa Hamas và quân đội Israel nổ ra sang ngày thứ ba.
Theo Bộ Năng lượng Israel, sau khi đóng cửa mỏ Tamar, Israel sẽ tìm kiếm các nguồn thay thế để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình.
Rủi ro về nguồn cung cũng gắn liền với những nơi khác. Công nhân tại các cơ sở LNG của Chevron ở Australia mới đây đã đưa ra thông báo tiếp tục đình công, một động thái có thể làm gián đoạn dòng chảy và khiến giá tăng cao.
Bên cạnh đó, ở châu Âu, một vụ rò rỉ được phát hiện trên một đường ống ở khu vực Baltic, làm dấy lên lo ngại về an ninh cơ sở hạ tầng và nguồn cung cấp khi mùa Đông đến gần.
Lỗi này được phát hiện vào sáng sớm Chủ nhật (8/10) trong một đường ống dưới biển nối lưới điện của Phần Lan và Estonia. Đường ống này đã bị các nhà khai thác đóng cửa trong khi điều tra sự cố.
Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ sở hạ tầng khí đốt Châu Âu cho thấy, các kho lưu trữ khí đốt của Châu Âu đã đầy 96,47%.
Tuy nhiên, ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) đã lấp đầy kho dự trữ khí đốt chiến lược cho mùa Đông, song số lượng đó chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu và các nước EU vẫn cần nhập khẩu khí đốt liên tục để phục vụ các hoạt động kinh tế cơ bản, bao gồm nhập khẩu từ Nga.
Báo cáo Triển vọng thị trường khí đốt trung hạn hàng năm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, nhu cầu khí đốt toàn cầu đang trên đà tăng trung bình hàng năm là 1,6% từ năm 2022 đến năm 2026, chậm hơn so với mức tăng trung bình hàng năm là 2,5% trong giai đoạn từ năm 2017 cho đến năm 2021.
Xung đột Nga - Ukraine diễn ra vào năm ngoái đã khiến nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống từ Nga đến châu Âu giảm, gây ra cuộc chạy đua về nguồn cung cấp năng lượng thay thế.
Theo báo cáo, nhu cầu khí đốt nói chung từ các thị trường trưởng thành ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ đã đạt đỉnh điểm vào năm 2021 và được dự báo sẽ giảm 1% mỗi năm cho đến năm 2026.
Việc tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng là một trong những động lực chính dẫn đến xu hướng giảm giá khí đốt tự nhiên tại các thị trường này.
Đối với châu Âu, việc mất lượng khí đốt vận chuyển bằng đường ống từ Nga đã buộc các chính phủ phải tìm kiếm giải pháp thay thế để duy trì an ninh năng lượng.
Tại thị trường trong nước, theo thông tin từ một số doanh nghiệp kinh doanh gas, từ ngày 1/10/2023, giá gas bán lẻ tăng 1.667 đồng/kg (gồm VAT), tương đương tăng 20.000 đồng/bình 12kg.
Tại Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương, từ 7 giờ 30 ngày 1/10, giá gas của công ty tăng thêm 20.000 đồng/bình 12 kg và 83.000 đồng/bình 50 kg.
Nguyên nhân tăng giá gas đợt này do giá gas thế giới bình quân tháng 10/2023 là 607,5 USD/tấn, tăng 52,5 USD/tấn so với tháng 9/2023.
Ngoài ra, giá gas tăng cao còn bởi vụ nổ tại nhà máy lọc dầu Bandar Abbas ở miền Nam Iran sau khi rò rỉ khí gas khiến nguồn cung nhiên liệu thế giới bị ảnh hưởng, giá dầu thế giới vì vậy tăng sát mốc 94 USD/thùng.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá gas tăng cao. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7) và 5 lần tăng (tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 9 và tháng 10).