Giá gas hôm nay ngày 12/9/2023, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam), giá gas giảm 0,04%, ở mức 2,61 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 10/2023.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 12/9/2023, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới đã giảm 0,04% xuống mức 2,61 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 10/2023.
Nga đã thắt chặt quan hệ về năng lượng với Trung Quốc, quá trình này càng tăng tốc sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra. Trung Quốc trở thành khách hàng quan trọng đối với Gazprom khi tập đoàn này hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu, các quốc gia từng là thị trường lớn nhất của "ông lớn" khí đốt này.
Theo Bloomberg, Nga dự kiến sẽ bán khí đốt tự nhiên qua đường ống cho Trung Quốc với giá bằng khoảng một nửa so với châu Âu trong 3 năm tới.
Giá khí đốt ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt trung bình 271,6 USD/1.000 m3 vào năm 2024, chỉ bằng hơn 1/2 so với mức trung bình 481,7 USD của khách hàng ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, theo triển vọng kinh tế đến năm 2026 đệ trình lên Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin được Bloomberg trích dẫn. Dự báo cho thấy khoảng cách giá vẫn giữ nguyên cho đến năm 2026 và sẽ giảm dần ở cả hai khu vực.
Các ước tính trên đã hé lộ thêm thông tin về dự án trị giá 400 tỷ USD giữa "đại gia" khí đốt Nga Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc. Đây là dự án lớn nhất đến nay của Gazprom.
Năm ngoái, Nga bán khí đốt cho Trung Quốc với giá trung bình 277,1 USD/1.000 m3, trong khi giá khí đốt cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trung bình là 983,8 USD/1.000 m3.
Đối với thị trường châu Âu, tỷ lệ hợp đồng liên quan đến giá giao ngay và giá kỳ hạn đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, với mức giá đạt kỷ lục vào năm 2022 trong bối cảnh châu Âu đang rơi vào khủng hoảng năng lượng.
Bước sang năm 2023, giá năng lượng đã giảm đều đặn, trong khi mức dự trữ khí đốt của châu lục này đạt 90% công suất trước mục tiêu (tháng 11) tới 3 tháng và thậm chí có thể đạt 100% vào tháng 9 này.
Tỷ trọng nhập khẩu khí đốt qua đường ống của EU từ Nga đã giảm từ 39% xuống chỉ còn 17% trong khoảng thời gian từ đầu năm 2022 đến đầu năm 2023. Để đối phó với sự thay đổi này, EU trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) so với trước đây.
Sự gia tăng LNG này đã khiến các nước châu Âu dễ bị tổn thương trước những biến động trên thị trường - đặc biệt khi 70% lượng nhập khẩu được mua trong thời gian ngắn thay vì sử dụng các hợp đồng dài hạn phổ biến ở châu Á.
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm nhẹ do nhu cầu ảm đạm, ngay cả khi mối lo ngại về nguồn cung ngày càng sâu sắc sau khi công nhân tại các dự án LNG của Chevron tại Australia đình công vào ngày 8/9.
Theo các thương nhân châu Âu, khả năng xảy ra sự gián đoạn nguồn cung đáng kể như vậy là nguyên nhân chính thúc đẩy giá LNG Đại Tây Dương.
Còn ông Hans Van Cleef, Nhà kinh tế năng lượng trưởng tại PZ – Energy cho biết, biến động giá có thể “phát sinh bất cứ lúc nào dựa trên kỳ vọng nguồn cung trong tương lai”.
“Sau tháng 10, giá thường sẽ tăng trở lại để thu hút thêm dòng LNG vào châu Âu, nhằm ngăn chặn lượng tồn kho giảm quá nhanh. Chúng ta càng ít sử dụng lượng khí đốt tồn kho thì vị thế khởi đầu cho thị trường khí đốt trong những năm tới sẽ càng tốt”, ông Cleef cho hay.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/9/2023, giá gas bật tăng mạnh theo đà tăng của thế giới. Cụ thể, với loại bình gas 12kg tăng 33.000 đồng/bình, tương đương tăng khoảng 2.750 đồng/kg.
Với Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV gas LPG miền Nam, giá gas của hãng sẽ tăng 2.750 đồng/kg (đã bao gồm VAT).
Theo các doanh nghiệp, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 9 tăng 90 USD/tấn so với tháng trước đó, lên mức 555 USD/tấn, khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.
Như vậy, sau 3 tháng liên tiếp lập đỉnh, mỗi bình gas 12 kg tăng 72.000 đồng, qua tháng 6/2022, bất ngờ quay đầu giảm mạnh 31.000 đồng và tiếp tục giảm 18.500 đồng trong tháng 7. Tuy nhiên, sang tháng 8 và tháng 9, giá gas tiếp tục tăng mạnh trở lại.
Giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Một số yếu tố có thể góp phần vào việc giá gas bao gồm sự gia tăng sản xuất gas, tình hình cung và cầu, cũng như thay đổi trong chính sách và biến động thị trường năng lượng.