Giá gas hôm nay ngày 6/7/2023, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam), giá gas tăng 0,08% lên mức 2,65 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 8/2023.
Giá gas đã tăng gần 15% trong tháng, kéo dài mức tăng trong quý hai lên gần 22% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong suốt mùa hè do sản xuất giảm nhẹ và nhu cầu điều hòa không khí dự kiến sẽ tăng.
Theo Investing, giá khí đốt tương lai gần chạm mốc 3 USD trong phiên giao dịch trước đó trong bối cảnh nhiệt độ ấm hơn có thể khiến người Mỹ bật máy điều hòa nhiều hơn bình thường vào mùa hè.
Trung Quốc đang trên đà trở thành nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong năm 2023. Năm nay cũng là năm thứ ba liên tiếp các công ty Trung Quốc ký thoả thuận nhập khẩu LNG dài hạn nhiều hơn hơn bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào.
Giá khí đốt tăng vọt do cuộc xung đột Nga - Ukraina và cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành các lô hàng LNG đã mang lại một bài học về sự ổn định của nguồn cung. Để đảm bảo an ninh năng lượng, Trung Quốc tiến hành đa dạng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, như một bước đệm nhằm phòng ngừa sự gián đoạn nguồn cung do biến động địa chính trị.
Điều đó cũng cho thấy, Trung Quốc đang có một tầm nhìn dài hạn để tránh lặp lại tình trạng khan hiếm năng lượng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, các hợp đồng LNG dài hạn đang rất hấp dẫn vì các lô hàng được hứa hẹn ở mức giá tương đối ổn định so với thị trường giao ngay - nơi giá khí đốt đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra.
Theo Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, cơ sở lưu trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) gần như đã đầy 74%, cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình 5 năm trước đó vào thời điểm này trong năm. Châu Âu đang trên đà đạt tới mục tiêu làm đầy 90% dự trữ khí đốt vào tháng 11 năm nay.
Châu Âu là thị trường cao cấp, thu hút nhiều khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do đó họ có thể lấp đầy khoảng trống khi nguồn cung qua đường ống của Nga bị thu hẹp. Trong năm nay, các quốc gia châu Âu đã nhanh chóng xây dựng thêm nhiều kho cảng nhập khẩu LNG, trong đó Đức lần đầu tiên gia nhập nhóm các nhà nhập khẩu LNG.
Các công ty điện lực của châu Âu đã ký nhiều thỏa thuận để mua nhiều LNG hơn từ các công ty từ Mỹ và đã có sự chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn gấp rưỡi trong tháng 6/2023 này, sau nhiều tháng giảm liên tiếp. Tuy nhiên, đợt tăng giá khí đốt này có vẻ không khiến châu Âu lo ngại như trước.
Theo hãng tin Reuters, từ đầu năm nay, EU đã bắt đầu dự trữ khí đốt song dòng khí đốt gần đây đã chậm lại do nhu cầu cao từ người tiêu dùng công nghiệp. Tuy nhiên, vào đầu tháng 6, các địa điểm lưu trữ khí đốt ở châu Âu đã dự trữ cao hơn 48% so với mức trung bình 10 năm trong cùng kỳ.
Cũng trong tháng 6/2023, giá khí đốt tự nhiên tăng 38% chủ yếu do lo ngại rằng thời tiết nóng ở Bắc Âu và việc ngừng sản xuất ngoài kế hoạch ở Na Uy vì bảo trì mỏ khí đốt tự nhiên Oseberg.
Theo một báo cáo của Natural Gas World (NGW), nếu mùa hè nóng hơn về tổng thể, nó sẽ nhanh chóng gây áp lực lên nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên được sử dụng trong điều hòa không khí.
Mặc dù giá khí đốt của châu Âu vẫn thấp hơn nhiều so với mức mùa hè năm ngoái, khi lục địa này rơi vào tình trạng bế tắc về năng lượng với Nga, nhưng sự tăng giá nhanh chóng trong tháng 6 cho thấy khu vực này vẫn dễ bị tổn thương trước bất kì sự gián đoạn nguồn cung nào sau sự sụt giảm nhập khẩu từ Nga.
Nhưng nhu cầu khí đốt công nghiệp vẫn còn yếu, mặc dù giá khí đốt tự nhiên thấp nhất trong hai năm. Nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu ước tính đã giảm 9,7% trong tháng 5 so với một năm trước đó do các ngành công nghiệp đang chậm lại và các nền kinh tế lớn bước vào suy thoái.
Tại thị trường trong nước, sau khi giảm mạnh vào tháng 6 tới 35.500 đồng/bình loại 12 kg thì từ ngày 1/7/2023 , mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng sẽ giảm tiếp khoảng 18.000-18.500 đồng, tùy thương hiệu.
Như vậy, giá gas trong nước đã giảm mạnh 2 lần liên tiếp sau 1 lần tăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 2 lần tăng và 5 lần giảm với tổng mức giảm tới hơn 140.000 đồng/bình 12 kg. Hiện, giá nhiên liệu này ở mức tương đương tháng 4/2022.
Đà giảm của giá gas trong nước lần này là do giá gas thế giới tháng 7 chốt ở mức 387,5 USD/tấn, giảm 57,5 USD/tấn so với tháng 6. Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá thế giới.