Giá gas hôm nay 17/6 tăng 3,28% lên mức 2,61USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 7/2023.
Mức tăng 3,28% của giá gas hôm nay 17/6 tương đương 0,083 USD/mmBTU, đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp kể từ ngày 15/6.
Điều được xác định có thể do Hà Lan sẽ thực hiện theo các kế hoạch trong năm nay để đóng cửa mỏ khí Groningen - từng là nguồn cung cấp nội địa lớn nhất châu Âu - do cuộc biểu tình vừa diễn ra vào thứ Năm. Trong khi đó, dự báo về thời tiết nóng hơn và kéo dài thời gian ngừng cung cấp tại các mỏ chính ở Na Uy tiếp tục hỗ trợ giá.
Sự gián đoạn nguồn cung đã làm tăng thêm lo ngại rằng thị trường khí đốt châu Âu vẫn đang điều chỉnh theo một thực tế mới, nơi đảm bảo nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển là rất quan trọng để thay thế nguồn cung cấp đường ống của Nga đáp ứng 40% nhu cầu của Liên minh châu Âu (EU) trước cuộc xung đột Ukraine.
Theo ông Tom Marzec-Manser tại công ty tư vấn năng lượng ICIS: “Các báo cáo về việc đóng cửa Groningen làm tăng thêm một loạt tin tức khác có lợi cho giá khí đốt”. Tuy nhiên, sự dao động về giá là một dấu hiệu cho thấy vẫn còn nhiều điều không chắc chắn đối với triển vọng khí đốt của châu Âu và những người tham gia thị trường vẫn đứng ngoài cuộc.
Mặc dù các kho chứa khí đốt của châu Âu hiện đã đầy hơn 70% và đang trên đường đạt được mục tiêu của khối là 90% kho chứa đầy vào đầu tháng 11, nhưng chỉ riêng kho chứa thì không thể đáp ứng nhu cầu trong mùa Đông.
Trước khi sàn TTF phục hồi vào tháng này, giá LNG ở Đông Bắc Á đã tăng nhanh chóng trên thị trường châu Âu, một trong những lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng năng lượng, khuyến khích các thương nhân gửi hàng về phía Đông.
Nhưng với việc tăng giá trong những ngày gần đây, TTF đã lấy lại được mức chênh lệch cao hơn so với thị trường khí đốt châu Á, khuyến khích lại các thương nhân chuyển LNG sang châu Âu, Financial Times đưa tin.
Trong một diễn biến khác, dự báo đợt nắng nóng từ ngày 21-28/6 có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng khí đốt để sản xuất điện. Mặt khác, khí đốt chảy đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng do bảo dưỡng tại một số cơ sở.
Tuần trước, giá khí đốt ở châu Âu biến động do nguồn cung bị cắt giảm và thời tiết nóng hơn ở một số khu vực của châu Âu làm tăng nhu cầu làm mát. Giá khí đốt của châu Âu hiện thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục vào tháng 8/2022 là hơn 324 USD/MWh (tương đương 300 EUR/MWh).
Người đứng đầu bộ phận khí đốt châu Âu và LNG toàn cầu tại công ty tư vấn Energy Aspects Ltd, một thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Moscow và Kyiv cũng sẽ hết hạn vào tháng 12/2024. Vòng đàm phán cuối cùng giữa hai bên đã diễn ra vào phút chót, với thỏa thuận đạt được chỉ vài ngày trước khi thỏa thuận trước hết hạn.
Giá gas cao hơn sẽ cản trở nỗ lực chống lạm phát của châu Âu. Chi phí tăng cao vào năm ngoái đã cản trở hoạt động công nghiệp và giảm nhu cầu về nhiên liệu, điều này có thể không bao giờ quay trở lại. Các thương nhân cũng đang theo dõi chặt chẽ tốc độ phục hồi kinh tế ở Trung Quốc, quốc gia cạnh tranh với khu vực về việc cung cấp LNG.
Tại thị trường trong nước, do giá gas thế giới tháng 6 chốt ở mức 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng 5 nên các doanh nghiệp điều chỉnh giảm theo.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/6, giá gas của Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương sẽ giảm 35.500 đồng/bình 12 kg và 148.000 đồng/bình 50 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 403.000 đồng/bình 12 kg và 1.678. 000 đồng/bình 50 kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần kinh doanh gas LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, giá gas giảm 35.000 đồng/bình 12kg và 131.250 đồng/bình 45kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng 384.912 đồng/bình 12kg và 1.443.000 đồng/bình 45kg.
Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, mức giá giảm này đúng như dự báo.
Như vậy, sau khi giá giảm đến 58.000 đồng/kg hồi tháng 4, đây là tháng thứ 2 giá gas tiếp tục giảm. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas có bốn tháng giảm và 2 tháng tăng.