Giá gas hôm nay 12/5, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam), giá gas giảm nhẹ 0,5% xuống mức 2,17 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2023.
Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động cuộc đấu thầu quốc tế đầu tiên để mua chung khí đốt, nhằm có được mức giá tốt hơn để bổ sung dự trữ trước mùa đông năm 2023 - 2024.
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách quan hệ giữa các tổ chức, ông Marosh Shefchovich cho biết, trong lần gọi thầu đầu tiên, 77 công ty châu Âu đã gửi về yêu cầu khoảng 11,6 tỉ mét khối, trong đó, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dao động quanh mức 2,8 tỉ mét khối, và 9,6 tỉ mét khối được yêu cầu giao hàng qua đường ống.
Các nhà cung cấp khí đốt quốc tế, trừ Nga, sẽ gửi báo giá trước ngày 15/5. Nếu giao dịch được ký kết, khí đốt dự kiến được giao từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
“Đây là một cột mốc lịch sử, bởi lần đầu tiên, chúng ta đang tận dụng sức nặng kinh tế tập thể của EU để tăng cường an ninh năng lượng và giải quyết vấn đề giá khí đốt cao” - ông Shefchovich nói.
Cách thức mua chung khí đốt sẽ giúp các công ty châu Âu xây dựng mối quan hệ kinh doanh mới với các nhà cung cấp thay thế khi EU tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Mặt khác, cơ chế này cũng mang đến cho các nhà cung cấp quốc tế cơ hội mở rộng mạng lưới khách hàng.
EU dự kiến tiến hành các cuộc đấu thầu ba tháng một lần. "Phản ứng của thị trường đối với cuộc đấu thầu đầu tiên là “tích cực và đáng khích lệ” - ông Shefchovich nhấn mạnh, đồng thời cho hay, đến nay, khoảng 107 công ty đã đăng ký tham gia mua chung khí đốt thông qua cơ chế mới và nhiều công ty khác đang trong quá trình tham gia.
Các nhà lập pháp EU kỳ vọng cơ chế mới sẽ giúp các thành viên trong khối cùng lấp đầy các kho dự trữ khí đốt cho mùa đông tới và tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực, đồng thời góp phần giúp "xoa dịu" áp lực lạm phát. Theo dữ liệu do Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) vừa công bố, lạm phát tăng từ mức 6,9% trong tháng 3 lên 7% trong tháng 4.
Cơ chế này là một phần trong các biện pháp được EU thông qua vào năm 2022 để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo các quy định được hoàn thiện hồi giữa tháng 12/2022, các quốc gia EU phải tham gia vào cơ chế tổng cầu này để mua chung ít nhất 15% khối lượng cần thiết để đạt được mục tiêu của EU đặt ra là lấp đầy 90% kho dự trữ trước tháng 11.
Việc mua chung khí đốt phải đảm bảo tránh được tình trạng như mùa hè năm 2022, khi các quốc gia và công ty đổ xô đến thị trường khí đốt cùng lúc để lấp đầy kho dự trữ, khiến giá tăng đột biến.
Ông Claudio Descalzi, Giám đốc điều hành Eni (công ty đa quốc gia dầu và khí đốt của Italy) bày tỏ, trong thời gian qua Rome đã xoay sở để thay thế một phần khí đốt tự nhiên từ Nga bằng nhiên liệu từ các nhà cung cấp khác. Khoảng 30 triệu m3 trong số 40 triệu m3 khí đốt hiện đã được thay thế.
Dữ liệu chính thức được công bố vào đầu năm nay cho thấy, Italy hiện nhập khẩu khí đốt từ Algeria nhiều gấp đôi so với từ Nga. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt của Nga không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi vì Italy đã không chú trọng đầu tư vào sản xuất khí đốt trong nước trong gần 8 năm qua. "Italy sẽ chỉ có thể chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga sau khoảng 2 năm" - ông Claudio Descalzi nêu.
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam Miền Nam tăng 167 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương 2.000 đồng/bình 12 kg và 7.500 đồng/bình 45 kg so với tháng trước. Giá gas bán lẻ tối đa là 420.000 đồng/bình 12 kg, khoảng 1.575.000 đồng/bình 45 kg, áp dụng từ ngày 1/5.
Nguyên nhân giá gas trong nước tăng nhẹ là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 5/2023 ở mức 555 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 4 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 này.