Giá gas hôm nay 6/3, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) giảm 8,51% xuống mức 2,75% USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4/2023.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, châu Âu dẫn đầu mức tăng trưởng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới, với mức tăng 66 tỷ m3, tương đương 63%, trong đó gần 70% do Mỹ cung cấp.
LNG đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động khi Nga cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt cho châu Âu và là công cụ giúp tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong năm 2022. Ngoài ra, mùa Đông 2022-2023 ở châu Âu không quá khắc nghiệt đã giúp khu vực này tránh được tình trạng thiếu hụt khí đốt.
IEA dự báo năm 2023, nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ giảm 3% sau khi giảm 13% năm 2022. Ngành điện châu Âu tiếp tục giảm tiêu thụ khí đốt do việc mở rộng năng lượng tái tạo và gia tăng sản xuất điện hạt nhân của Pháp sau khi công tác sửa chữa hoàn thành.
IEA cho rằng, châu Âu sẽ cần giảm 8% nhu cầu sử dụng nếu dừng hoàn toàn nguồn khí đốt của Nga vận chuyển qua đường ống. Mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu giảm 1,6% năm 2022, xuống 4.042 tỷ m3 và sẽ chững lại trong năm 2023.
Các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) mới đây cũng cho biết, khối này đang lên kế hoạch mở rộng các biện pháp giảm tiêu thụ khí đốt trong khối vào mùa Đông tới để lấp đầy các kho dự trữ.
Trước đó, nhằm ứng phó với giá năng lượng tăng mạnh do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine, hồi tháng 7/2022, 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023. Tuy nhiên, con số giảm thực tế đã vượt quá mục tiêu "tự nguyện", nhờ thời tiết ôn hòa hơn và giá nhiên liệu cao khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp buộc phải hạn chế sử dụng.
Theo số liệu do cơ quan thống kê EU (Eurostat), lượng tiêu thụ khí đốt của khối đã giảm 19,3% trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, so với cùng thời kỳ từ năm 2017 đến 2022.
Hiện các nước thành viên EU đã thảo luận kéo dài một số biện pháp khẩn cấp để có thể nhanh chóng lấp đầy các kho dự trữ khí đốt cũng như chuẩn bị cho những tình huống căng thẳng tiềm tàng.
Bên cạnh đó, IEA cũng dự báo, mặc dù giá khí đã giảm trong những tháng gần đây nhưng tình hình có thể thay đổi trong năm nay với sự phục hồi nhu cầu ở châu Á và đặc biệt là ở Trung Quốc. Là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Trung Quốc gần đây đã dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19, vốn đã làm giảm nhu cầu trong nước vào năm ngoái.
IEA cho hay, tăng trưởng nhu cầu đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Trung Quốc có thể đạt 35%. Điều này sẽ gây ra sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế và có thể dẫn đến giá khí đốt tăng trở lại mức không bền vững như mùa hè năm ngoái, đặc biệt gây khó khăn cho người mua châu Âu.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã thông báo điều chỉnh giảm giá gas. Theo đó, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng, loại 45kg giảm khoảng 60.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Hiện nay, giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Giá gas thế giới bình quân tháng 3/2023 chốt hợp đồng ở mức 730 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với tháng 2. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 2 lần giảm (tháng 1, tháng 3) và một lần tăng mạnh vào tháng 2.