Giá gas hôm nay 13/2, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) tăng 2,7% lên mức 2,58 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 3/2023.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, sẽ triệu tập cuộc họp đặc biệt của các bộ trưởng năng lượng để thảo luận khẩn cấp về nguồn cung khí đốt tự nhiên. Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 15/2 tới theo hình thức trực tuyến.
Cuộc họp dự kiến sẽ xác định và thông qua các biện pháp cải thiện sự cân bằng giữa cung và cầu khí đốt, cũng như các hành động có thể hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn của các quốc gia châu Âu mà không làm tổn hại các mục tiêu khí hậu dài hạn.
Cuộc xung đột ở Ukraine và nguồn cung khí đốt bị cắt giảm sau đó đã khiến giá năng lượng tăng vọt. Khi các quốc gia châu Âu chuyển sang nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), giá mặt hàng này trên thế giới cũng tăng cao.
Tuy nhiên, sau đó giá khí đốt đã giảm từ mức đỉnh ghi nhận năm ngoái do thời tiết tương đối ấm đã giúp các nước châu Âu vượt qua được mùa Đông và không lo ngại bị thiếu hoặc gián đoạn nguồn cung.
Các quốc gia châu Âu đã xây dựng được một lá chắn quan trọng cho mùa đông năm nay, khi dự trữ khí đốt của khu vực đã gần đầy. Cụ thể, dự trữ khí đốt của châu Âu hiện ở mức 72% công suất - gấp đôi thời điểm này năm ngoái. Năm 2022, nhập khẩu LNG ở châu Âu đã tăng 60% so với năm trước.
Giá khí đốt giảm trong bối cảnh dữ liệu thống kê cho thấy lạm phát bắt đầu giảm nhanh tại các nền kinh tế lớn của châu Âu gồm Đức và Pháp từ cuối năm ngoái.
Mặc dù vậy, cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa kết thúc, do đó cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là để sẵn sàng cho mùa đông tới.
Ông Patrick Pouyanne - Giám đốc điều hành TotalEnergies, một trong 6 tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, xu hướng giảm giá năng lượng hiện nay sẽ không kéo dài. Sự thiếu hụt dòng khí đốt của Nga đến Liên minh châu Âu (EU) đã dẫn đến những hạn chế về nguồn cung trên thị trường khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG).
Các vấn đề về nguồn cung sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường khí đốt châu Âu trong năm 2023 này do nguồn cung từ Nga đang giảm sút nghiêm trọng và xu hướng giảm giá năng lượng hiện nay sẽ không kéo dài.
Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên khoáng sản Ai Cập Tarek el Molla vừa tuyên bố các công ty nước ngoài sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào lĩnh vực phát triển và sản xuất tại các mỏ khí đốt của nước này trong năm tài chính 2023/2024 (kết thúc vào ngày 30/6/2024).
Trong kế hoạch ngân sách 2023/2024, Công ty cổ phần khí đốt tự nhiên Ai Cập (EGAS) đặt mục tiêu khoan 16 giếng thăm dò, ký 10 thỏa thuận mới, thực hiện 8 dự án phát triển bên cạnh việc hoàn thành mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên tại thị trường Ai Cập.
Đất nước “kim tự tháp” đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn cho lục địa châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng giữa Nga - Ukraine từ cuối tháng hai năm ngoái.
Đầu tháng này, Ai Cập thông báo lần đầu tiên đã xuất khẩu 60% sản lượng khí đốt tự nhiên sang châu Âu. Nhà máy sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Damietta đã xuất khẩu 7,2 triệu tấn khí đốt tự nhiên kể từ khi được hoạt động trở lại vào năm 2021.
Tại thị trường trong nước từ ngày 1/2, giá gas bán lẻ tăng 5.250 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tăng trung bình 63.000 - 64.000 đồng, loại 45 kg tăng 235.000 - 236.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Công ty gas Nam Long thông báo từ ngày 1/2, giá gas của hãng tăng 63.000đồng bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 477.000 đồng/bình 12kg.
Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới và tỷ giá. Trong khi đó, giá gas thế giới tháng 2/2023 chốt ở mức 790 USD/tấn, tăng 192,5 USD/tấn so với tháng 1, từ đó đẩy giá gas bán lẻ tháng 2/2023 tăng mạnh.
Như vậy, sau lần giảm vào đầu tháng 1/2023, giá gas đã quay đầu bật tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 1 lần tăng và 1 lần giảm. Hiện, giá loại nhiên liệu này đã lên mức tương đương thời điểm hồi tháng 3 - 4/2022.