Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Ba (22/11), giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn tăng thêm trong bối cảnh dự báo thời tiết trái ngược nhau đã hỗ trợ nhu cầu vững chắc hơn và Nga đã tạo ra một sự bất ổn mới vào bức tranh nguồn cung toàn cầu.
NatGasWeather cho biết, các dự báo cập nhật vào thứ Ba có xu hướng “ấm hơn một chút” vào đầu tháng 12, đặc biệt là ở phía Đông của Mỹ.
Tuy nhiên, “sẽ vẫn có những đợt nhu cầu mạnh hơn trên khắp vùng Trung Tây và Đông Bắc bắt đầu từ tháng 12” và “không khí lạnh dự kiến sẽ tràn vào vùng đồng bằng phía Tây và phía Bắc của Mỹ từ ngày 29/11 đến ngày 29/12”, cơ quan này cho biết thêm.
Trong một diễn biến khác, công ty Gazprom PJSC của Nga - từng cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, đã giảm tỷ lệ đó xuống dưới 10% kể từ khi Điện Kremlin xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm nay. Theo các nhà lãnh đạo châu Âu và Hiệp hội Năng lượng Quốc tế, Nga làm như vậy để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, Gazprom đã nói rằng, Ukraine đã không cung cấp tất cả khí đốt tự nhiên mà họ đã gửi thông qua nước này cho người tiêu dùng ở Moldova. Và công ty này đã cảnh báo rằng, nếu sự mất cân bằng tiếp tục, họ sẽ bắt đầu giảm nguồn cung cấp khí đốt cho một kết nối quan trọng - nơi khối lượng khí đốt của Nga đổ vào Ukraine, vào thứ Hai (28/11).
Song Gazprom không nói rõ, họ có thể cắt giảm bao nhiêu lượng khí đốt hoặc cắt giảm trong bao lâu. Tuy nhiên, một đợt giảm giá mới và kéo dài có thể đẩy giá châu Âu lên cao hơn, mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Mỹ.
Theo ông Steve Blair, Giám đốc điều hành tài khoản cấp cao của Marex North America LLC, điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung của Mỹ và đẩy giá nội địa lên cao.
Giá gas trong nước
Theo các doanh nghiệp, do giá gas thế giới tháng 11 chốt 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng 10, song song đó do tỷ giá tăng liên tục nên các công ty điều chỉnh tăng tương ứng.
Đây là tháng thứ 4 trong năm 2022 giá gas tăng với tổng mức 93.000 đồng/bình 12kg.
Theo ông Lê Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương, 70% nguồn gas các doanh nghiệp phải nhập khẩu phần lớn nhập từ thị trường Châu Á như Trung Quốc, Qatar… Vừa qua, tình hình thế giới biến động nguồn gas thị trường Châu Âu dư thừa, rớt giá mạnh. Tuy nhiên, tại thị trường Châu Á nguồn gas căng thẳng hơn, giá gas diễn biến bất thường.
Đơn cử ngày 24/10 giá gas thế giới giảm 13 USD, sang ngày 26/10 giá gas thế giới tăng 2 USD, ngày 27 giá vọt thêm 20 USD, ngày 28 giá tăng tiếp lên 25 USD và đến cuối ngày 31/10 giá gas thế giới mới chốt ở mức tăng 35 USD so với tháng trước.