Giá gas hôm nay (1/10) tiếp tục giảm với mức điều chỉnh dưới 1% sau phiên hôm qua. Một số chính phủ châu Âu điều động quân đội nhằm tăng cường phòng thủ bảo vệ năng lượng sau vụ “phá hoại” đường ống dẫn khí đốt Nord Stream từ Nga đến lục địa này.
Giá gas hôm nay (1/10) giảm 0,7% xuống 6,82 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2022 vào lúc 10h45 (giờ Việt Nam).
Theo Reuters, các vụ rò rỉ lớn được cho là do phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream dưới biển từ Nga đến châu Âu đã khiến các chính phủ từ Oslo đến Rome phải cảnh giác cao độ. Thậm chí, một số chính phủ còn điều động quân đội để đảm bảo những gì họ cho là ngày càng dễ bị tổn thương hệ thống năng lượng.
Na Uy - nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất Tây Âu, đã cử quân đội đến bảo vệ các cơ sở lắp đặt năng lượng của mình. Tại Ý, quốc gia này đã tăng cường giám sát hải quân trên các tuyến đường ống. Còn các nhà khai thác lưới điện của Đức đang tăng cường an ninh cho các đường dây tải điện của họ.
Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu gây ra bởi cuộc xung đột của Nga ở Ukraine, đã leo thang từ vấn đề đảm bảo nguồn cung sang thách thức đảm bảo các mạng lưới giữ ấm và chiếu sáng cho châu Âu khi những tháng mùa Đông lạnh hơn và tối hơn đang đến gần.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, mối quan tâm trước mắt sẽ là an ninh của các đường ống nối Na Uy và Châu Âu, bao gồm cả đường ống Baltic mới mở.
Các nhà phân tích tại Rystad Energy cho biết, Na Uy ngày càng trở thành một đối tác quan trọng trong nỗ lực của châu Âu nhằm tránh suy thoái năng lượng gây ra suy thoái kinh tế, thúc đẩy sản xuất khí đốt để cung cấp khoảng 30% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Trước đó, Nga từng là nước cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, song hiện chỉ đáp ứng dưới 10%.
Tuy nhiên, tách biệt với phần lớn châu Âu bằng đường biển, nguồn cung cấp dầu, khí đốt và thủy điện của Na Uy, phần lớn được sản xuất ngoài khơi, phụ thuộc vào mạng lưới đường ống và cáp dưới biển.
Các hệ thống lắp đặt trên biển và mạng dưới sóng hiện ngày càng trông không an toàn sau sự cố rò rỉ Nord Stream, mà các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tin rằng do phá hoại gây ra, mặc dù họ đã ngừng nêu tên bất kỳ ai.
Na Uy đã triển khai quân đội để bảo vệ hơn 90 mỏ dầu khí ngoài khơi và mạng lưới đường ống dẫn khí đốt trải dài khoảng 9.000 km (5.590 dặm).
Cơ quan quản lý năng lượng của Đức kêu gọi bảo vệ nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng, trong khi 4 nhà khai thác hệ thống truyền dẫn hàng đầu của Đức cho biết, họ đang hợp tác chặt chẽ với các dịch vụ an ninh.
Trong khi đó, nhà điều hành lưới điện của Ba Lan PSE cho biết, lưới điện Thụy Điển sẽ tiến hành kiểm tra tuyến cáp ngầm Thụy Điển - Ba Lan 600MW đi qua các đường ống Nord Stream bị hư hỏng.
Giá gas trong nước
Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng không vượt quá 426.500 đồng/bình 12kg và 1.776.500 đồng/bình 50kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết từ ngày 1/10 giá gas giảm 18.000 đồng/bình 12kg và 67.500 đồng/bình 45kg.
Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 407.900 đồng/bình 12kg và 1.529.655 đồng/ bình 45kg.
Công ty Petrolimex Gas Sài Gòn thông báo giá tháng 10 điều chỉnh giảm 18.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ khu vực TP HCM 411.000 đồng/bình 12kg.
Theo các đơn vị, do giá gas thế giới tháng 10 chốt 575 USD/tấn, giảm 65 USD/tấn so với tháng 9 nên các công ty điều chỉnh giảm tương ứng.
Tuy nhiên, do tỷ giá tăng cao nên đây là mức giảm ít hơn so với dự báo trước đó là giá gas giảm đến 21.000 đồng/bình 12kg.
Đây là tháng thứ 6 liên tiếp gas giảm giá và là lần thứ 7 trong năm 2022 giá gas giảm với tổng mức giảm 122.000 đồng/bình 12kg.